Bài viết thuộc chuyên mục Tổng hợp tin tức thị trường & kinh tế do MBW Digital thực hiện. Đăng ký kênh MBW Digital Newsletter để nhận báo cáo định kỳ từ chúng tôi!
Nội dung bài viết
ToggleTrong năm 2025, bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục chịu ảnh hưởng của những biến động từ các chính sách vĩ mô, lạm phát và những thay đổi trong hệ thống tiền tệ. Các chính sách điều tiết kinh tế mới, cùng với xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ, đã tạo ra những tác động sâu rộng đến ngành phân phối. Việc cập nhật và nắm bắt các báo cáo thị trường trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với các doanh nghiệp phân phối, không chỉ giúp họ nhận diện cơ hội kinh doanh mà còn hỗ trợ trong việc đưa ra các chiến lược ứng phó kịp thời với những thách thức từ môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh.
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về thị trường ngành phân phối năm 2025, phân tích các yếu tố kinh tế vĩ mô ảnh hưởng, cũng như trình bày những xu hướng chuyển đổi số và thay đổi trong hành vi tiêu dùng. Qua đó, các doanh nghiệp phân phối sẽ có thêm thông tin hữu ích để xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong thời kỳ đổi mới liên tục.
1. Tổng Quan Thị Trường Ngành Phân Phối 2025
(Thông tin được tổng hợp và thu thập từ Tổng Cục thống kê)
1.1. Tình hình kinh tế chung cuối năm 2024
Biến động toàn cầu
Năm 2024, thị trường hàng hóa thế giới chứng kiến nhiều biến động, do tác động của các yếu tố chính trị, kinh tế và xã hội. Xung đột quân sự và biến động chính trị tại một số quốc gia, kết hợp với tình hình thương mại toàn cầu phục hồi chậm, đã khiến tổng cầu và đầu tư suy giảm. Tình trạng thiên tai, hạn hán và bão lũ cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế.
Lãi suất và lạm phát
Các ngân hàng trung ương lớn như ECB và FED đã giảm lãi suất để kiểm soát lạm phát. Lạm phát toàn cầu có sự chênh lệch rõ rệt, với Mỹ tăng 2,9%, khu vực EU tăng 2,4%, trong khi lạm phát tại Việt Nam được kiểm soát ở mức 2,94% vào cuối năm.
Giá hàng hóa trong nước
Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ để ổn định giá cả, giảm lãi suất cho vay và thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Nhờ đó, giá hàng hóa và dịch vụ nhìn chung không có biến động bất thường trong suốt năm 2024.
1.2. Tình hình giá cả tháng 01/2025
Nguồn ảnh: Hanoi.gov.vn
Tăng trưởng CPI trong tháng 01/2025
CPI (Chỉ số giá tiêu dùng) trong tháng 01/2025 tăng 0,98% so với tháng 12 và 3,63% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng này chủ yếu do các yếu tố mùa vụ như nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Tết Nguyên đán, đồng thời nguyên nhân khác tới từ sự điều chỉnh giá dịch vụ y tế và luật giao thông.
Các nhóm hàng chính tác động lên CPI:
- Thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh 14,14%, làm CPI tăng 0,76 điểm phần trăm.
- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,42%, trong đó giá thực phẩm tăng 4,83%, góp phần làm CPI tăng 1,48 điểm phần trăm.
- Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt tăng 4,95%, chủ yếu do giá nhà ở thuê và điện sinh hoạt tăng mạnh.
1.3. Các yếu tố dự báo tác động đến lạm phát 2025
Yếu tố làm gia tăng lạm phát
- Căng thẳng địa chính trị và chiến tranh thương mại: Xung đột giữa các quốc gia lớn có thể đẩy giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao.
- Đô la Mỹ mạnh lên: Tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu và đẩy giá thành sản xuất cao hơn.
- Giá năng lượng: Nhu cầu sử dụng điện và xăng dầu tăng, đặc biệt trong giai đoạn sản xuất cao điểm.
- Tăng trưởng tín dụng và đầu tư công: Nếu không kiểm soát tốt, có thể gây áp lực lên giá cả hàng hóa và dịch vụ.
Yếu tố giúp kiềm chế lạm phát
- Nguồn cung lương thực dồi dào: Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông sản, giúp giảm áp lực giá thực phẩm.
- Chính sách bình ổn giá: Chính phủ tiếp tục các chương trình giảm thuế, hỗ trợ giá xăng dầu để giảm chi phí sản xuất.
- Kiểm soát cung tiền: Ngân hàng Nhà nước có các biện pháp điều tiết chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tài chính.
1.4. Biến động về chính sách và môi trường kinh tế
6 chính sách thuế có hiệu lực từ T1/2025
Chính sách 1: Tiếp tục giảm 2% thuế GTGT từ 01/01/2025
Theo Nghị định 180/2024/NĐ-CP, thuế GTGT được giảm từ 10% xuống 8% cho hàng hóa và dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% (từ 01/01/2025 đến 30/06/2025). Tuy nhiên, một số nhóm hàng như viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, dầu mỏ, và một số sản phẩm khác sẽ không áp dụng giảm thuế.
Chính sách 2: Sửa đổi Luật Kế toán và Luật Quản lý thuế
- Không bắt buộc ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức trên chứng từ kế toán.
- Không khai bổ sung hồ sơ khai thuế khi có quyết định thanh tra, kiểm tra thuế.
- Điều chỉnh cách tính tiền chậm nộp thuế và quy định về kỳ kế toán (cho phép gộp kỳ kế toán nếu kỳ đầu và cuối không quá 3 kỳ kế toán liên tiếp).
Chính sách 3: Ngừng miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ gửi qua chuyển phát nhanh
Từ ngày 14/01/2025, hàng hóa nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh có trị giá 1 triệu đồng trở xuống sẽ không được miễn thuế nhập khẩu và thuế GTGT. Quy định này áp dụng cho hàng hóa từ các sàn thương mại điện tử quốc tế.
Chính sách 4: 303 DN lớn do Cục thuế DN lớn trực tiếp quản lý thuế
Từ ngày 01/01/2025, 303 doanh nghiệp lớn sẽ do Cục thuế doanh nghiệp lớn trực tiếp quản lý thuế. Quyết định này được áp dụng theo Quyết định số 2838/QĐ-BTC và sẽ được rà soát định kỳ mỗi 2 năm.
Chính sách 5: Chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân
Chính phủ tiếp tục triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành sản xuất, bao gồm giảm thuế VAT, giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, cũng như giảm thuế bảo vệ môi trường để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đồng thời giúp ổn định thị trường trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Chính sách 6: Tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu
Theo Khoản 2, điều 1 Nghị quyết 42/2023/UBTVQH15, từ ngày 01/01/2025, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu và mỡ nhờn sẽ tiếp tục được áp dụng theo quy định tại Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14.
1.5. Biến động xuất nhập khẩu và định hướng của Bộ Công Thương 2025
Tình hình thị trường trong nước tăng trưởng ổn định
Thị trường trong nước tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định trong đầu năm 2025. Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2025 ước tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong năm 2024 đạt 6.391 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2023, vượt qua mức tăng trưởng của năm 2023 (9,4%).
Mục tiêu tăng trưởng 12% trong năm 2025
Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng bán lẻ và doanh thu tiêu dùng đạt khoảng 12% trong năm 2025. Để đạt mục tiêu này, cần duy trì mức tăng trưởng tối thiểu 12,2% mỗi tháng trong 11 tháng còn lại của năm.
- Thuận lợi: Xu hướng tăng trưởng ổn định của thị trường bán lẻ và sự mở rộng quy mô và sức mua đang diễn ra mạnh mẽ. Chính phủ và các Bộ, ngành đã chủ động triển khai các chính sách kích cầu tiêu dùng và phát triển thương mại điện tử, giúp đa dạng hóa kênh phân phối.
- Khó khăn: Thị trường đối mặt với rủi ro bất định trong chính sách thương mại của các nước, có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và giá cả hàng hóa. Ngoài ra, yêu cầu ngày càng cao từ người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm và dịch vụ đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Định hướng và giải pháp của Bộ Công Thương
- Kích cầu tiêu dùng
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và tổ chức các hội chợ thương mại, sự kiện xúc tiến tiêu dùng tại các đô thị lớn và khu vực có tiềm năng tiêu thụ cao. Các chương trình khuyến mại, giảm giá và ứng dụng công nghệ số để cá nhân hóa ưu đãi sẽ giúp tăng trưởng mạnh mẽ.
- Đảm bảo nguồn cung ổn định và tối ưu hóa chuỗi cung ứng
Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hệ thống logistics thông minh và tối ưu hóa chuỗi cung ứng bằng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data). Đặc biệt, Bộ sẽ thúc đẩy liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa, gắn kết sản xuất với phân phối, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.
- Phát triển hạ tầng thương mại hiện đại
Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và mô hình bán lẻ đa kênh, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thị trường số. Nâng cao chất lượng dịch vụ tại các chợ truyền thống và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt.
- Tăng cường kết nối cung cầu
Bộ sẽ phối hợp với các địa phương để xây dựng phương án cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn giá cả, đặc biệt trong các dịp cao điểm, tránh hiện tượng khan hàng, sốt giá. Đồng thời, sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để chống buôn lậu và gian lận thương mại.
1.6. Sự biến động về giá xăng dầu và ảnh hưởng đến chi phí logistics
Theo toàn văn Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ Công Thương đăng tải tập trung vào 3 ý chính: Tăng quyền tự quyết giá bán cho doanh nghiệp đầu mối, điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức, và siết chặt hệ thống phân phối. Những thay đổi này sẽ tác động lớn đến toàn bộ chuỗi cung ứng xăng dầu, từ các doanh nghiệp lớn như Petrolimex (PLX), Tổng công ty Dầu Việt Nam (OIL) đến hệ thống bán lẻ, doanh nghiệp vận tải và cả người tiêu dùng.
DNSE (Công ty Cổ phần Chứng khoán DNSE) đánh giá các nhà phân phối và đại lý bán lẻ sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực hơn. Dự thảo Nghị định quy định rằng thương nhân phân phối chỉ được phép mua hàng từ một đầu mối duy nhất, đồng thời cấm giao dịch xăng dầu giữa các thương nhân phân phối. Điều này nhằm hạn chế tình trạng thao túng giá và kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, nhưng cũng khiến các nhà phân phối nhỏ lẻ mất đi sự linh hoạt trong hoạt động kinh doanh.
Theo ABS Research, biên lợi nhuận của các đại lý bán lẻ sẽ bị thu hẹp do chi phí kinh doanh định mức không còn cố định mà sẽ được điều chỉnh theo chỉ số CPI. Điều này khiến các doanh nghiệp nhỏ khó có thể đàm phán mức chiết khấu cao từ doanh nghiệp đầu mối, từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh của họ so với các hệ thống phân phối lớn.
Bên cạnh đó, với chi phí mua hàng dự kiến tăng 3-5%, các cửa hàng nhỏ có thể gặp khó khăn lớn hơn trong việc duy trì lợi nhuận. Nếu không tối ưu hóa chi phí vận hành hoặc không thể tăng giá bán để bù đắp, nguy cơ thua lỗ là hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này có thể dẫn đến tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu nhỏ buộc phải ngừng kinh doanh hoặc sáp nhập vào các hệ thống phân phối lớn hơn.
2. Xu Hướng Chính Trong Ngành Phân Phối 2025
2.1. Ứng dụng GenAI & Công nghệ hiện đại
Dựa trên nghiên cứu của McKinsey, việc tối ưu hóa hoạt động logistic có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng tỷ đô la mỗi năm. Trong bối cảnh đó, AI đang trở thành một công cụ then chốt, giúp tinh gọn chi phí vận hành, đồng thời nâng cao hiệu quả và tốc độ quản lý.
- Tối ưu hóa lộ trình giao hàng: Amazon ứng dụng AI để cải thiện hiệu quả giao hàng, giảm 10% thời gian vận chuyển và tiết kiệm 15% chi phí logistics.
- Quản lý kho bãi: Amazon dùng robot Kiva (điều khiển bởi AI) để tự động hóa kho hàng. Nhờ đó, họ giảm thời gian tìm kiếm, tăng tốc độ xử lý đơn hàng, và phục vụ hàng triệu đơn mỗi ngày.
- Dự đoán nhu cầu: Wal-Mart đã xây dựng một hệ thống dự báo nhu cầu tập trung dựa trên nguyên tắc: phân tích quá khứ để dự đoán tương lai. Ví dụ, khi bão đến Vịnh Mexico, họ dự đoán nhu cầu tăng cao và chủ động cung cấp hàng hóa cần thiết cho người dân.
- Cải thiện dịch vụ khách hàng: Giao hàng Nhanh sử dụng trợ lý ảo chatbot để cung cấp thông tin cập nhật về đơn hàng cho khách hàng theo thời gian thực.
Việc ứng dụng AI đã chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa logistics. Đồng thời, để đạt được hiệu quả tối đa và đồng bộ hóa toàn bộ quy trình, việc ứng dụng ERP vào doanh nghiệp là điều cần thiết.
- Vinamilk đã ứng dụng phần mềm ERP vào năm 2007, nhằm tạo nên một nền tảng kết nối và xuyên suốt tất cả các bộ phận trong doanh nghiệp một cách dễ dàng nhưng rõ ràng và hiệu quả.
- Petrolimex – Tập đoàn đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công ERP trong kinh doanh xăng dầu.
- Vietinbank đã sử dụng ERP để chuẩn hóa các hoạt động ngân hàng, cho phép tập trung hóa quản lý kế toán nội bộ và thiết lập các quy trình kế toán nội bộ tiêu chuẩn.
Đọc thêm: AI đang chuyển đổi hệ thống ERP như thế nào?
2.2. Thay đổi trong hành vi người tiêu dùng
Năm 2025, thói quen người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi đáng kể so với những năm trước, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và những chuyển biến trong tâm lý, nhu cầu của khách hàng.
– Mua sắm trực tuyến và đa kênh (Omnichannel)
Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mua sắm trực tuyến nhờ sự tiện lợi và tốc độ. Họ không chỉ truy cập website mà còn sử dụng ứng dụng di động và các nền tảng mạng xã hội để so sánh giá, đánh giá sản phẩm và mua hàng. Theo khảo sát của Việt Nam Report, có 79,2% số doanh nghiệp chọn bán hàng đa kênh. Có thể thấy, thị trường bán lẻ Việt đang chuyển mình mạnh mẽ từ mô hình bán lẻ truyền thống sang bán lẻ đa kênh (kênh hiện đại và thương mại điện tử).
- WinMart phát triển website Winmart.vn và ứng dụng VinID, đồng thời kết hợp với Grab giúp khách hàng mua sắm trực tuyến.
- Mixue đa dạng kênh bán hàng trực tuyến như Grabfood, Shopee Food để tiếp cận thêm nhiều khách hàng.
– Ưu tiên trải nghiệm cá nhân hóa
Người tiêu dùng ngày nay không chỉ đơn thuần tìm kiếm sản phẩm, mà còn mong muốn những trải nghiệm mua sắm được thiết kế riêng biệt, phản ánh sở thích và nhu cầu cá nhân của họ. Hơn 80% người tiêu dùng kỳ vọng vào những trải nghiệm mua sắm mang tính cá nhân hóa cao (nguồn: Salesforce, 2023).
Sự kỳ vọng này không chỉ là một xu hướng nhất thời, mà còn là một yếu tố quyết định đến sự thành công của doanh nghiệp. Theo nghiên cứu từ Adobe năm 2023, các doanh nghiệp áp dụng chiến lược Marketing cá nhân hóa hiệu quả có thể đạt được mức tăng trưởng doanh thu lên đến 19%.
Amazon áp dụng chiến lược cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm bằng cách thu thập và phân tích dữ liệu mua hàng, lịch sử tìm kiếm cùng thông tin cá nhân của khách hàng. Dựa trên những dữ liệu này, hệ thống của Amazon tự động gợi ý sản phẩm, điều chỉnh nội dung trang chủ và thiết lập các chương trình khuyến mãi phù hợp với sở thích và hành vi mua sắm của từng cá nhân. Kết quả cho thấy doanh thu của Amazon tăng khoảng 35%, tỷ lệ chuyển đổi giao dịch được cải thiện thêm 19% và mức độ gắn kết của khách hàng cũng tăng đáng kể.
– Quan tâm đến chất lượng và bền vững
Người tiêu dùng năm 2025 ngày càng có ý thức về việc bảo vệ môi trường. Họ ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thân thiện với môi trường và được sản xuất một cách bền vững.
Theo báo cáo khảo sát tiêu dùng Cốc Cốc, 4/5 người tiêu dùng sẽ ưu tiên mua các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và cá nhân có chứng nhận hữu cơ, không gây hại cho môi trường.
– Ví điện tử và dịch vụ kỹ thuật số
Với sự phát triển của công nghệ, các phương thức thanh toán điện tử như ví điện tử (Zalopay, Momo, VNpay), QR code, và các dịch vụ thanh toán trả sau (Shoppe pay later, Buy Now Pay Later) qua các sàn thương mại điện tử (Shopee, Tiktok Shop, Lazada,..) ngày càng phổ biến.
Theo một khảo sát gần đây của Visa, 85% người tham gia khảo sát có ít nhất một ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán. 71%người dùng sử dụng các ứng dụng này ít nhất một lần một tuần.
– Tốc độ giao hàng và dịch vụ hậu mãi
Khách hàng không chỉ quan tâm đến sản phẩm mà còn đề cao dịch vụ giao hàng nhanh chóng và dịch vụ hậu mãi chuyên nghiệp. Họ mong đợi nhận hàng trong thời gian ngắn và có chính sách đổi trả, bảo hành rõ ràng nếu gặp sự cố.
– Tương tác qua các nền tảng kỹ thuật số
Người tiêu dùng hiện đại rất năng động trên mạng xã hội, thích theo dõi các đánh giá, review và trải nghiệm từ cộng đồng. Họ có xu hướng tìm kiếm thông tin và chia sẻ trải nghiệm của mình qua các kênh trực tuyến, điều này tạo ra sức ảnh hưởng lớn đến quyết định mua hàng.
Khảo sát từ Cốc Cốc cho thấy, 77% người tham gia đã từng theo dõi livestream bán hàng và 71% trong số đó đã thực hiện mua sắm qua hình thức này.
3. Nhận diện cơ hội & rủi ro cho doanh nghiệp phân phối năm 2025
3.1. Cơ hội
Theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy, cơ hội từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng đang mở ra một triển vọng mới cho Việt Nam, khi các doanh nghiệp quốc tế tìm kiếm các thị trường thay thế Trung Quốc, đồng thời tận dụng môi trường đầu tư hấp dẫn và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Chuyển dịch chuỗi cung ứng và đầu tư FDI
- Việt Nam có thể hưởng lợi lớn từ việc chuyển dịch chuỗi cung ứng khi các công ty lớn đang tìm kiếm các thị trường thay thế Trung Quốc do các yếu tố như chiến tranh thương mại và chính sách thuế quan của Mỹ. Các doanh nghiệp sản xuất lớn, đặc biệt là trong các ngành như điện tử, may mặc, và linh kiện, đang chuyển hướng sang các quốc gia có chi phí sản xuất thấp và môi trường kinh doanh ổn định, trong đó có Việt Nam.
- Việt Nam cũng có thể trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu mới trong khu vực ASEAN, khi các công ty quốc tế lựa chọn dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế quan cao và tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.
Thị trường Hoa Kỳ vẫn tiếp tục mở cửa
- Mặc dù một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ đối mặt với mức thuế quan cao hơn dưới chính quyền Trump, nhưng thị trường Hoa Kỳ vẫn duy trì nhu cầu tiêu thụ mạnh mẽ đối với các sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt trong các ngành như dệt may, giày dép, và nông sản.
- Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp tục tận dụng các hiệp định thương mại tự do để duy trì và mở rộng xuất khẩu vào Mỹ. Thị trường Mỹ vẫn là một kênh tiêu thụ quan trọng, đặc biệt đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhờ vào chất lượng và giá trị cạnh tranh của sản phẩm.
Chuyển dịch công nghệ và đầu tư từ Trung Quốc:
- Chuyển dịch công nghệ và dòng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ là một cơ hội lớn trong năm 2025. Nhiều công ty công nghệ, đặc biệt là trong các ngành như điện tử, tự động hóa, và công nghệ thông tin, sẽ tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và dịch chuyển các cơ sở sản xuất sang các quốc gia có môi trường chính trị và thương mại ổn định, trong đó có Việt Nam.
- Với môi trường đầu tư hấp dẫn, chính sách thu hút FDI mạnh mẽ của Chính phủ, và cơ sở hạ tầng cải thiện, Việt Nam có thể trở thành điểm đến hàng đầu cho các dòng đầu tư công nghệ và sản xuất trong khu vực ASEAN, đặc biệt khi các công ty tìm cách đa dạng hóa các chuỗi cung ứng toàn cầu.
3.2. Rủi ro
Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy đánh giá doanh nghiệp sẽ gặp phải một số rủi ro liên quan đến sự thay đổi trong chính sách kinh tế và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Tác động từ chính sách thuế và thương mại quốc tế:
- Chính sách thuế của Mỹ và Trung Quốc có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các chiến lược thuế mới của Tổng thống Trump có thể làm gia tăng thuế nhập khẩu hàng hóa Việt Nam vào Mỹ.
- Rủi ro gia tăng thuế và cấm vận đối với một số sản phẩm có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ở các thị trường lớn.
Biến động giá trị đồng USD và lãi suất:
- Sự thay đổi trong chính sách tiền tệ toàn cầu, đặc biệt là lãi suất của FED và ECB, có thể dẫn đến sự thay đổi trong tỷ giá và tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu.
- Tình trạng lạm phát, tăng chi phí vận chuyển và nguyên liệu đầu vào có thể làm ảnh hưởng đến biên lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Khó khăn trong quản lý chuỗi cung ứng:
- Những biến động về nguồn cung và giá cả hàng hóa, cũng như việc phụ thuộc vào các quốc gia như Trung Quốc có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng chi phí vận chuyển.
4. Lời Khuyên Cho Doanh Nghiệp Phân Phối
4.1. Tăng Cường Ứng Dụng Công Nghệ và Chuyển Đổi Số
- Đầu tư vào công nghệ thông minh và ERP: Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như ERP, AI, và GenAI sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình quản lý chuỗi cung ứng, kho bãi, và vận chuyển. Các công cụ này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao hiệu quả công việc và khả năng dự đoán nhu cầu sản phẩm, từ đó cải thiện quy trình phân phối.
- Chuyển đổi sang mô hình bán lẻ đa kênh (Omnichannel): Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp cần phát triển các kênh bán hàng trực tuyến và kết hợp với các mô hình bán lẻ truyền thống. Tăng cường sự hiện diện trên các nền tảng thương mại điện tử sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận rộng rãi khách hàng và tăng trưởng doanh thu.
4.2. Tối Ưu Hóa Quy Trình Quản Lý Chuỗi Cung Ứng
- Tăng cường liên kết chuỗi giá trị: Doanh nghiệp cần thúc đẩy hợp tác với các đối tác sản xuất và phân phối, tối ưu hóa quá trình vận chuyển và lưu kho. Sử dụng các công nghệ như logistics thông minh, Big Data, và AI để phân tích và dự báo chính xác các nhu cầu cung ứng, giảm thiểu rủi ro gián đoạn nguồn cung và ổn định giá cả.
- Phát triển hệ thống logistics linh hoạt: Hệ thống logistics linh hoạt và tối ưu không chỉ giúp giảm chi phí vận hành mà còn đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu của khách hàng trong điều kiện biến động giá xăng dầu và chi phí vận chuyển.
4.3. Đổi Mới và Phát Triển Sản Phẩm Bền Vững
- Ưu tiên các sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường: Người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và thân thiện với môi trường. Doanh nghiệp cần đưa ra các sản phẩm có chứng nhận hữu cơ và đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững để thu hút khách hàng, đặc biệt là thế hệ tiêu dùng có ý thức bảo vệ môi trường.
- Chăm sóc chất lượng sản phẩm: Doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng sản phẩm không ngừng được cải tiến để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, từ đó nâng cao sự hài lòng và lòng trung thành của khách hàng.
4.4. Kích Cầu Tiêu Dùng và Mở Rộng Thị Trường
- Thực hiện các chiến lược kích cầu tiêu dùng: Doanh nghiệp có thể tận dụng các chiến dịch khuyến mãi, giảm giá, và tổ chức sự kiện xúc tiến tiêu dùng tại các khu vực có tiềm năng cao để thúc đẩy mua sắm. Đồng thời, việc triển khai các chương trình khuyến mại cá nhân hóa sẽ giúp gia tăng sự gắn kết với khách hàng và nâng cao tỷ lệ chuyển đổi.
- Mở rộng thị trường thông qua thương mại điện tử: Doanh nghiệp nên phát triển các kênh bán hàng trực tuyến và kết hợp với các nền tảng số để tiếp cận khách hàng tiềm năng, đặc biệt là những khách hàng trẻ tuổi, thông qua các dịch vụ giao hàng nhanh chóng và các phương thức thanh toán hiện đại.
4.5. Duy Trì Ổn Định Giá Cả và Quản Lý Chi Phí
- Kiểm soát chi phí trong bối cảnh biến động giá xăng dầu và nguyên liệu: Với sự biến động giá xăng dầu và chi phí sản xuất, doanh nghiệp cần chủ động trong việc tối ưu hóa chi phí và điều chỉnh giá bán hợp lý để duy trì lợi nhuận. Đồng thời, hãy chú trọng vào việc sử dụng các công nghệ giúp tối ưu hóa hoạt động logistics và giảm thiểu chi phí vận chuyển.
- Theo dõi sát diễn biến thị trường: Doanh nghiệp cần theo dõi sát các chính sách kinh tế vĩ mô và tác động của chúng đến thị trường, từ đó có kế hoạch điều chỉnh phù hợp, đảm bảo sự ổn định trong suốt năm 2025.
4.6. Tăng Cường Năng Lực Cạnh Tranh
- Phát triển chất lượng dịch vụ và hậu mãi: Doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đặc biệt là dịch vụ hậu mãi, giao hàng nhanh chóng, và chính sách đổi trả linh hoạt để nâng cao sự hài lòng và lòng trung thành của khách hàng.
- Đào tạo và phát triển đội ngũ nhân viên: Việc đào tạo đội ngũ nhân viên sử dụng công nghệ mới và cải tiến quy trình làm việc là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp.
4.7. Giảm Thiểu Rủi Ro từ Chính Sách Thuế và Chính Sách Mới
- Cập nhật và tuân thủ các quy định thuế mới: Doanh nghiệp cần cập nhật các chính sách thuế mới, đặc biệt là các thay đổi về thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế bảo vệ môi trường và các quy định về miễn thuế nhập khẩu hàng hóa nhỏ. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ và tránh các rủi ro pháp lý.
- Chủ động trong việc quản lý thuế: Các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược quản lý thuế hiệu quả và hợp lý, đặc biệt khi áp dụng các quy định mới về thuế, đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động và lợi nhuận.
5. Kết Luận
Năm 2025 mở ra nhiều cơ hội và thách thức đối với ngành phân phối tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và những thay đổi trong hành vi tiêu dùng. Các doanh nghiệp phân phối cần phải nhanh chóng nắm bắt xu hướng chuyển đổi số, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời, với các chiến lược kích cầu tiêu dùng và mở rộng thị trường, doanh nghiệp cũng cần duy trì sự ổn định trong quản lý chi phí và giá cả, đặc biệt là trong tình hình biến động về giá xăng dầu và nguyên liệu đầu vào.
Chính phủ đã tạo ra một môi trường hỗ trợ thông qua các chính sách thuế và khuyến khích đầu tư, nhưng doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều yếu tố bất định từ thị trường quốc tế và các thay đổi về chính sách thương mại. Để duy trì lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững, các doanh nghiệp phân phối cần tiếp tục cải tiến chất lượng dịch vụ, tăng cường mối quan hệ với khách hàng, và chủ động đối phó với những rủi ro từ chính sách thuế và thương mại. Với những giải pháp phù hợp, Việt Nam vẫn có thể tận dụng được các cơ hội lớn từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng, từ đó tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.